Có thể mẹ chưa biết: Chăm sóc trẻ bị sốt

Categorized as Chăm sóc trẻ
Có thể mẹ chưa biết: Chăm sóc trẻ bị sốt

Chăm sóc trẻ bị sốt như thế nào cho đúng?

Bài viết này là tổng hợp kiến thức bố mẹ Tép tham gia lớp học tiền sản miễn phí tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng. Có rất nhiều điều bố mẹ Tép đều chưa từng biết về sốt và làm thế nào để chăm sóc trẻ bị sốt cho đúng cách.

Một số khái niệm về sốt các mẹ cần biết

  • Sốt là 1 triệu chứng (không phải bệnh) khi nhiệt độ cơ thể cao hơn bình thường. khi nhiệt độ cơ thể > 37.8°C được coi là bắt đầu của một cơn sốt.
  • Nhiệt độ cơ thể bình thường thay đổi theo tuổi, sức khỏe nói chung, mức độ hoạt động, và thời gian trong ngày. Trẻ sơ sinh thường có nhiệt độ cao hơn so với trẻ lớn hơn. Nhiệt độ cao nhất giữa buổi chiều muộn và buổi tối, thấp nhất giữa nửa đêm và sáng sớm. Ngay cả mặc nhiều quần áo cũng có thể ảnh hưởng đến nhiệt độ cơ thể.
  • Sốt thường là một dấu hiệu cho thấy cơ thể đang chống một bệnh hoặc tình trạng nhiễm trùng. Cơn sốt có thể được coi là một dấu hiệu tốt cho hệ thống miễn dịch của cơ thể đang làm việc và cố gắng để tự chữa bệnh.
  • Cơn sốt có thể là phản ứng quan trọng trong việc chống lại tác nhân nhiễm trùng (khi nhiệt độ cơ thể tăng hơn 38 độ C có thể gây bất hoạt một số vi khuẩn, virus gây bệnh). Tuy nhiên, sốt cao có thể làm cho trẻ khó chịu, mất nước, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, tăng nhu cầu về năng lượng
  • Trẻ em dưới 6 tuổi khi sốt cao (trên 39.5°C) có thể gây co giật, nhất là trẻ dưới 2 tuổi.
  • Cơn sốt điển hình thường có 3 giai đoạn: Sốt cao, rét run, vã mồ hôi.

Nguyên nhân gây sốt

Sốt chủ yếu do nhiễm trùng, virus hoặc vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm… Tuy nhiên, các điều kiện khác dưới đây cũng có thể gây ra một cơn sốt.

  1. Phản ứng dị ứng
  2. Các bệnh tự miễn: Ung thư, Lupus
  3. Chấn thương như gãy xương, tụ máu
  4. Tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời, hay nhiệt độ cao, tập thể dục cường độ cao
  5. Sự mất cân bằng nội tiết tố
  6. Một số loại thuốc

Những việc cần làm khi trẻ sốt

Những điều quan trọng nhất nên làm là giúp cho trẻ cảm thấy thoải mái, theo dõi các dấu hiệu, triệu chứng khác kèm theo để giúp tìm ra nguyên nhân gây sốt. Một dấu hiệu tốt nếu vẫn trẻ chơi và sinh hoạt bình thường sau khi uống thuốc hạ sốt.

Giữ phòng của trẻ luôn thông thoáng, mát mẻ không có gió lùa, không để quạt thẳng vào người trẻ ngay cả khi trời rất nóng. Nếu dùng điều hoà chỉ nên để nhiệt độ ở khoảng 28-30°C

  • Cho trẻ mặc quần áo thoáng, mỏng
  • Khuyến khích trẻ uống nhiều nước hơn bình thường, nước trái cây pha loãng, hoặc dung dịch điện giải như ORS
  • Cho trẻ ăn thức ăn loãng hơn bình thường, nhẹ, dễ tiêu, giàu năng lượng
  • Không để trẻ không hoạt động quá mức

Theo dõi kỹ các biểu hiện của trẻ sẽ giúp cha mẹ kể bệnh với bác sĩ rõ ràng, giúp cho việc chẩn đoán tốt hơn và đưa ra phương hướng điều trị hiệu quả hơn. Những triệu chứng cần theo dõi là:

  • Trẻ sốt thế nào? Có đáp ứng với thuốc hạ sốt không? Tay chân lạnh khi sốt không?
  • Trẻ có dùng được thuốc hạ sốt hay không (nôn, tiêu chảy – không nhét thuốc được)?
  • Trẻ có thở mệt hay không?
  • Trẻ có cơ giật hay li bì không?
  • Trẻ có ban hay không?
  • Trẻ có ăn uống được không?
  • Các triệu chứng khác ngoài sốt như ho, chảy mũi nôn tiêu lỏng…?
  • Xung quanh có ai bị bệnh như trẻ không?

Khi nào nên đưa trẻ đi khám bác sỹ?

  • Trẻ nhỏ hơn 3 tháng (12 tuần)
  • Sốt tăng lên trên 40°C nhiều lần ở mọi lứa tuổi
  • Có cơn co giật, động kinh
  • Đã dùng thuốc hạ nhiệt theo hướng dẫn của bác sỹ nhưng triệu chứng sốt không giảm
  • Trông rất mệt, buồn ngủ bất thường (ngủ gà)
  • Có các triệu chứng kèm theo: cứng cổ, đau đầu dữ dội, đau họng, đau tai nặng, phát ban không rõ nguyên nhân, hoặc nôn mửa lặp đi lặp lại, hoặc tiêu chảy nhiều

Xử trí khi trẻ bị sốt

  1. Uống nhiều nước, ăn thức ăn lõng, dể tiêu, giàu năng lượng
  2. Mặc thoáng
  3. Lau mát bàng nước ấm. Có thể áp dụng thêm phương pháp chườm mát cho trẻ bằng nước ấm (bằng với nhiệt độ nước tắm của bé là được). Lau liên tục với khăn ấm, lau chủ yếu vùng nách, bẹn, kiểm tra nhiệt độ mỗi 10 phút, ngừng lau khi nhiệt độ dưới 38.5°C
  4. Thuốc: Acetaminophen (hay Paracetamol) và Ibuprofen là các loại thuốc an toàn và hiệu quả nếu được sử dụng theo đúng chỉ dẫn để hạ sốt và giảm đau cho trẻ.
      • Acetaminophen 10 – 15 mg / kg / lần, cách mỗi 6 tiếng. Tối đa: 60 mg / kg / ngày
      • Ibuprofen 5 – 10 mg / kg / lần, cách mỗi 6 – 8 tiếng
      • Một vài lưu ý quan trọng
        • Có thể dùng xen kẽ Acetaminophen và Ibuprofen.
        • Ibuprofen chỉ nên được sử dụng cho trẻ em trên 6 tháng. Không nên dùng ở trẻ bị nôn liên tục hoặc mất nước.
        • Không sử dụng aspirin để hạ sốt hoặc giảm đau cho trẻ. Nếu trẻ nôn mửa và không thể ăn uống được, có thể dùng thuốc nhét hậu môn.
        • Trước khi cho con của bạn bất kỳ loại thuốc, hãy đọc nhãn để đảm bảo liều lượng phù hợp với tuổi và cân nặng của trẻ.
        • Nước mát hoặc lạnh có thể gây run và làm tăng nhiệt độ của trẻ. Không được thêm cồn vào nước. Cồn có thể được hấp thu vào da hoặc hít vào, gây ra vấn đề nghiêm trọng như hôn mê.

– Sách hay các mẹ nên đọc: Để con được ốm

– Nội dung chỉnh sửa từ bài viết của ThS. Bs. Trương Nguyễn Thoại Nhân, trưởng khoa Nhi, bệnh viện Hoàn Mỹ.

By Tâm Bùi

Mẹ của Tép

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *