Co giật do sốt là gì?
Trẻ co giật do sốt là một trong những dấu hiệu bệnh nặng mà các mẹ cần biết để phát hiện và xử trí nhanh chóng.
Đọc thêm: Chăm sóc trẻ bị sốt
Một số khái niệm
Co giật do sốt cao là triệu chứng nguy hiểm có thể gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi do hệ thần kinh (trung tâm điều nhiệt) của trẻ ở tuổi này chưa hoàn thiện, lượng nước cao trong cơ thể làm trẻ hạ nhiệt chậm. Tuy nhiên, may mắn là đa số cơn giật này lành tính và không để lại di chứng.
Một số trường hợp co giật khi sốt cao có thể gây nguy hiểm: Cơn co giật kéo lặp đi lặp lại nhiều lần có thể gây hại cho bộ não của trẻ do thiếu oxy não, trẻ có thể có di chứng động kinh về sau.
Trẻ đã có tiền sử co giật có nguy cơ co giật khi sốt cao nhiều hơn so với trẻ chưa có tiền sử co giật.
Các triệu chứng thường gặp
- Nhiệt độ cơ thể tăng lên đột ngột, thường trên 39°C, co giật thường xảy ra ở ngày 1, 2 của sốt vì cơ thể chưa kịp thích nghi với nhiệt độ cao.
- Cơn co giật ở trẻ rất đa dạng, có thể có dấu hiệu báo trước như: trẻ có vẻ thờ ơ, không tiếp xúc; hay không có dấu hiệu báo trước: trẻ đột ngột lên cơn co giật toàn thân, mất ý thức, trợn mắt, sùi bọt cua… Nếu trẻ co giật cục bộ một phần cơ thể, đây là dấu hiệu tiên lượng xấu có tổn thương não, cơn giật gọi là kéo dài khi hơn 30 phút và thường để lại di chứng.
- Co giật do sốt cao thường là cơn ngắn, và trẻ tỉnh sau cơn giật, ít khi để lại di chứng.
- Trong các trường hợp nhẹ thường khó nhận thấy các cơn co giật vì trẻ chỉ cứng người hoặc giật nhẹ chân tay, mặt tái trong một thời gian ngắn.
- Kèm theo đó là các triệu chứng khác của bệnh chính gây sốt như: đau họng, chảy mủ tai, tiêu chảy…
- Đôi khi sốt cao co giật của trẻ có liên quan yếu tố gia đình.
Xử trí
Khi trẻ co giật NÊN được sơ cứu tại nhà giúp trẻ qua cơn giật an toàn, rồi đưa trẻ đi viện khi đã hết cơn giật, hay chuẩn bị thuốc và dụng cụ hỗ trợ vừa sơ cứu vừa di chuyển trẻ đến viện (như có xe ô tô hỗ trợ) hơn là cố gắng đưa trẻ đi ngay đến viện trong lúc đang giật mà chưa sơ cứu (dùng thuốc hạ sốt), hỗ trợ (thở, lau khăn ấm..) dễ gây nguy hiểm cho trẻ.
Những việc NÊN làm
- Cởi khuy áo nới rộng hoặc bỏ bớt quần áo, không quấn hoặc ủ ấm cho trẻ .
- Nhanh chóng đặt trẻ nằm xuống giường hoặc nơi bằng phẳng, thoáng mát, đề phòng trẻ rơi ngã hoặc va đập đầu vào các vật cứng. Đặt cằm hơi ngửa và nghiêng mặt sang bên (đề phòng trẻ nôn dẫn đến sặc sau nôn vì trẻ hít sâu bù lại khi nôn trẻ nhịn thở). Người lớn nên ngồi ngay cạnh trẻ nắm tay trẻ để trẻ đỡ sợ.
- Dùng khăn nhúng vào nước ấm lau khắp mình trẻ, đặc biệt là ở nách, bẹn và trán, cần lau lại nhiều lần cho đến khi trẻ giảm sốt < 38.5°C.
- Dùng thuốc hạ nhiệt loại thông thường mà bé thường dùng, theo đúng liều lượng, lúc này tốt nhất là dùng viên dạng nhét hậu môn vì cho trẻ uống lúc này rất khó và dễ gây sặc.
- Đợi khi trẻ ngừng cơn giật thì lật trẻ nằm nghiêng sang một bên, đầu hơi ngửa ra sau (tư thế an toàn) để nếu trẻ có nôn chất nôn sẽ ra ngoài mà không vào đường thở gây nguy hiểm tính mạng cho trẻ.
- Nên cho bé đến bệnh viện để làm một số xét nghiệm giúp cho việc chẩn đoán bệnh chính gây sốt cũng như các tổn thương do cơn giật gây ra.
Những việc KHÔNG NÊN làm
- Không nên tìm cách chống cơn giật bằng cách giữ người trẻ, vì rất dễ gây tổn thương các bộ phận, gãy xương trẻ.
- Không được dùng vật cứng đưa vào miệng trẻ, vì rất ít khi trẻ cắn phải lưỡi (nếu có cắn cũng không nguy hiểm gì) mà rất dễ gãy răng, sứt lợi, tổn thương niêm mạc miệng do vật cứng, hay trẻ sặc vào phổi .
- Không dùng nước lạnh, cồn, các loại lá lau cho trẻ khi sốt vì làm lạnh ngoại biên càng làm tăng nguy cơ và thời gian co giật.
Nội dung chỉnh sửa từ bài viết của ThS. Bs. Trương Nguyễn Thoại Nhân, trưởng khoa Nhi, bệnh viện Hoàn Mỹ.