Phớt lờ: Tại sao xảy ra và làm gì nếu trẻ phớt lờ bố mẹ?

Categorized as Chăm sóc trẻ
Phớt lờ: Tại sao xảy ra và làm gì nếu trẻ phớt lờ bố mẹ?

Trẻ phớt lờ bố mẹ? Tại sao xảy ra và làm gì nếu trẻ phớt lờ bố mẹ? Làm thế nào để bé 2 tuổi lắng nghe bố mẹ nói và làm theo lời bố mẹ nói?

Tại sao trẻ không lắng nghe bố mẹ

Bố mẹ nói bé mang vỏ kẹo bẩn bé nhặt dưới sàn nhà, nhưng thay vì đưa nó cho bố mẹ, bé quay đi và mang theo vỏ kẹo chạy đi chỗ khác. Tại sao bé lại phớt lờ bố mẹ như thế?

Cách cư xử này có thể khiến bố mẹ rất khó chịu, nhưng đó là cuộc sống của đứa trẻ lên 2. Mục đích chính của trẻ trong cuộc đời lúc này là khám phá và bắt đầu phát triển tính tự chủ. Việc phớt lờ bố mẹ là một phần của quá trình này.

Hơn thế nữa, trẻ sẽ luyện tập kỹ năng tự quyết của mình với người mà trẻ tin tưởng nhất – chính là bố mẹ, theo bà Roni Leiderman, phó trưởng khoa của Trung tâm Gia đình thuộc Đại học Nova Southestern tại Lauderdale, Florida. Thêm vào đó, khả năng kiểm soát cảm xúc của trẻ lúc này chưa phát triển đầy đủ.

Vì vậy nếu bố mẹ bảo bé đừng nghịch cái đuôi của con cún, ngay lập tức tất cả những gì bé có thể nghĩ tới là cái đuôi của con cún. Tất nhiên, một lúc nào đó bé sẽ phải nghe lời bạn và để chú cún yên. Điều quan trọng là bố mẹ phải làm sao vừa khiến bé hợp tác vừa tạo cơ hội cho bé luyện tập tính tự chủ mà bé mới khám phá ra.

Phải làm gì khi bé phớt lờ bố mẹ?

Hãy rõ ràng và thực tế. Hãy chắc chắn là yêu cầu của bố mẹ cụ thể và dễ dàng thực hiện. “Dọn phòng của con đi!” là một yêu cầu không những quá mơ hồ mà còn nằm ngoài khả năng của một đứa bé 2 tuổi.

Thay vào đó hãy nói những câu phù hợp hơn như “Cất giày của con vào kệ nhé!”. Và thay vì bảo bé “Chuẩn bị ăn tối nhé!”, hãy nhắc trẻ rửa tay và ngồi vào bàn.

Cả bé và bố mẹ đều có lợi khi bố mẹ dành thời gian dạy con một công việc mới. Đừng tự cho rằng bé biết búp bê phải để trên giá như thế nào. Hãy chỉ cho bé biết “búp bê thích được nằm cạnh nhau và cùng nhìn vào phòng của con.”

Đơn giản hóa các yêu cầu. Bé có thể phớt lờ bố mẹ bởi vì thật ra bé không hiểu bố mẹ đang muốn bé làm gì. Trẻ 2 tuổi cần những chỉ dẫn chỉ có một hay nhiều nhất là hai bước thực hiện. Ví dụ như “Con lên cầu thang và tìm giày của con nhé!” hoặc “Đi theo mẹ và ngồi xuống cạnh mẹ nào!”.

Theo sát bé. Nếu bố mẹ muốn con mang vỏ kẹo bẩn cho mình nhưng bé không làm, đừng bỏ qua chuyện đó – bố mẹ hãy đến chỗ bé và lấy vỏ kẹo bẩn đấy. Tương tự như vậy, khi bố mẹ nói bé xuống khỏi bàn và bé phớt lờ, ngay lập tự bố mẹ phải tới nâng bé xuống.

Khích lệ trẻ. Sự thật là bố mẹ chúng ta luôn có xu hướng trả lời “Bố/mẹ đã nói rồi mà!” khi bé không nghe lời. Nhưng cách tốt hơn để con nghe lời là bố mẹ nên khích lệ con nhiều hơn.

Hãy nhớ rằng chúng ta không muốn trẻ làm việc tốt chỉ vì trẻ sợ. Chúng ta muốn trẻ làm việc tốt vì trẻ thực sự muốn làm.

Trẻ thích được dỗ dành, vì thế những lời khen ngợi sẽ rất hiệu nghiệm nếu bố mẹ muốn trẻ vâng lời. “Bố/mẹ rất tự hào vì con có thể tự cởi giày rất nhanh!” hoặc “Chà, con đúng là một em bé biết nghe lời!”

Bố mẹ cũng có thể tạo động lực cho bé bằng cách tặng quà khi bé vâng lời. Mặc dù vậy, tốt nhất là bố mẹ không nên lạm dụng những phần thưởng hữu hình như đồ chơi, hình dán… Chúng ta không muốn trẻ sẽ chờ đợi phần thưởng mỗi lần trẻ làm đúng, hoặc không vâng lời nếu không có phần thưởng.

Tránh nói “Không”. Nếu trẻ phớt lờ bố mẹ khi bố mẹ nói không, có thể là vì bé nghe từ này quá nhiều. Hãy thử cách tiếp cận khác xem sao.

Thay vì hét lên: “Không được đá bóng trong nhà!”, hãy nói “Con ra ngoài đá bóng nhé!” chẳng hạn. Hoặc thay vì nói bé: “Không, giờ con không được ăn kẹo đâu!”, hãy nói “Con có thể ăn một quả táo hặc một quả dâu tây!,” hoặc “Con có thể ăn một cái kẹo sau bữa trưa.” Khi bạn cho trẻ những sự lựa chọn, bạn đang cho trẻ cơ hội tự quyết định.

Bố mẹ cũng nên nói bất cứ khi nào có thể thay vì lúc nào cũng nói không, và tận dụng mọi cơ hội có thể khuyến khích con làm gì đó hơn là cứ can ngăn. Khi trẻ phấn khích vì cái cầu trượt to hơn, mới hơn ở công viên, hãy nói “Chắc chắn rồi, con có thể chơi!” hoặc “Bố/mẹ con mình cùng chơi nhé!” – như thế nghe sẽ tích cực hơn nhiều là “Không, con bé quá không chơi được.” Nếu không có gì nguy hiểm, hãy để bé tự do khám phá.

Tất nhiên, trong rất nhiều trường hợp bố mẹ cũng phải thật sự nghiêm khắc khi con muốn làm những việc có thể gây nguy hiểm như cấm con chạy trên đường phố hoặc nghịch bộ ấm chén của ông bà chẳng hạn.

Cố gắng hiểu con. Thử tượng tượng khi chúng ta đang đọc một cuốn tiểu thuyết hoặc đang nói chuyện với bạn thì đột nhiên bị yêu cầu phải dừng ngay lập tức việc để làm một việc khác. Chúng ta sẽ cảm thấy như thế nào?

Không thể phủ nhận không phải lúc nào bố mẹ cũng có thời gian để dỗ dành trẻ. Nhưng bất cứ khi nào có thể, hãy nói cho trẻ biết trước khi chúng ta muốn trẻ làm việc tiếp theo. Bé có thể sẽ không dừng ngay việc đang làm được, nhưng ít nhất là bé đã nhận được thông tin để chuẩn bị.

Lưu ý, nếu trẻ thường thờ ơ với bố mẹ nhiều hơn là lắng nghe hoặc có vẻ thụ động hoặc thu mình, bố mẹ nên cho bé gặp bác sỹ. Bác sỹ có thể sẽ cần kiểm tra thính giác hoặc một vài bài kiểm tra về sự phát triển của bé khác.

Bài viết được mẹ Tép dịch từ Babycenter (Ignoring: Why it happens and what to do about it), một nguồn thông tin tham khảo rất hữu ích cho mẹ và bé.

By Tâm Bùi

Mẹ của Tép

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *