Trải nghiệm sinh con lần đầu
Mẹ Tép đã sinh Tép được 2 tuần rồi. Sinh con đúng là một trải nghiệm không thể nào quên trong đời một người phụ nữ, đặc biệt là lần đầu sinh con. Dưới đây là một số kinh nghiệm thực tế của mẹ Tép từ trải nghiệm sinh con lần đầu của bản thân. Hy vọng sẽ giúp ích cho các mẹ chuẩn bị đi sinh.
- Các mẹ nên đọc: Danh sách đồ đi sinh mẹ cần chuẩn bị
1. Thở và rặn đẻ đúng cách
Cách thở
Khi bắt đầu cảm nhận đau, có cơn co xuất hiện các mẹ nên tập trung vào hơi thở để tập thở nhanh dần. Hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng. Cơn đau càng tăng thì thở càng nhanh hơn và nông hơn. Đến khi cảm nhận bớt đau thì thở chậm lại và thở sâu hơn, tần suất nhịp thở giảm dần.
Ở giữa các cơn co tử cung, nên thở sâu và nhẹ nhàng bình thường để lấy lại năng lượng đã bị mất đi khi thở nhanh, nông và tích trữ năng lượng cho lần thở của cơn đau kế tiếp. Nên thư giãn toàn thân là tốt nhất.
Cách rặn
Khi bác sĩ cho phép được rặn, các mẹ nên tập rặn đúng cách thì mới có hiệu quả đẩy thai ra khỏi bụng mẹ và ống sinh dục được. Rặn không hiệu quả, giai đoạn xổ thai kéo dài sẽ làm mất sức người mẹ và em bé có thể bị ngạt ngay khi chưa kịp sinh ra.
Cảm nhận được cơn co tử cung: Bụng gò cứng dần và xuất hiện cơn đau. Các mẹ nên hít vào một hơi thật sâu. Sau đó nín thở, miệng ngậm chặt không phát ra âm thanh nào, hai tay nắm chặt vào hai thành của bàn sinh, hai chân đạp mạnh vào hai ống treo cổ chân của bàn sinh, dồn hơi rặn mạnh để đẩy hơi xuống vùng bụng dưới giúp đẩy thai nhi ra ngoài. Gập cổ nhìn xuống bụng. Lưng thẳng, mông áp sát bàn đẻ (không nhổm, nhấc mông lên vì như thế con sẽ khó ra ngoài). Khi cảm thấy sắp hết hơi nhưng vẫn còn đau có thể hít vào một hơi khác và rặn tiếp tục cho đến khi hết cảm thấy đau bụng nữa.
Giữa 2 cơn co tử cung, hết đau thì thở sâu điều hòa, dưỡng sức để tập trung vào đợt rặn kế tiếp.
2. Bình bú và sữa công thức – Phương án hỗ trợ
Mẹ Tép vẫn giữ quan điểm về việc nuôi con bằng sữa mẹ như trong bài chuẩn bị đồ đi sinh. Tuy nhiên, mẹ Tép khuyên các mẹ nên chuẩn bị thêm bình bú và một ít sữa công thức như là phương án hỗ trợ trong các trường hợp sau:
- Mẹ chưa có sữa non
- Mẹ sinh mổ
- Sữa mẹ chưa về nhiều, trẻ bú không đủ no
- Trẻ sơ sinh có biểu hiện mệt mỏi, không bú tích cực hoặc phải điều trị bệnh lý sau sinh
*Kinh nghiệm: Các mẹ có thể tìm mua hoặc xin 1 – 2 thanh sữa Meiji Infant Formula Ezcube 432g (0 – 1 tuổi). Một hộp sữa này gồm 16 thanh sữa, mỗi thanh có 5 viên sữa pha được 40 ml sữa cho bé. Sữa này có vị nhạt và gần giống sữa non của mẹ nhất, ít ngọt và ít béo hơn so với các loại sữa công thức khác.
Lưu ý: Không phụ thuộc vào sữa công thức, thế nên mẹ Tép chỉ khuyến khích các mẹ mua hoặc xin 1 – 2 thanh sữa đủ dùng trong thời gian chờ sữa.
Việc nên làm trong thời gian này là:
- Massage, chườm nóng ngực
- Uống nhiều nước ấm
- Bổ sung sữa đặc pha nóng
- Tích cực cho con bú
- Hút sữa sau khi cho con bú và tích trữ để lúc cần dùng
Cứ bình tĩnh và giữ tinh thần thoải mái, thực hiện những điều này sẽ giúp các mẹ không bị tắc sữa và có nhiều sữa cho bé bú thoả thích.
3. Vận động sau sinh
Đối với sinh thường
- Những giờ đầu sau sinh các mẹ nên nằm nghỉ ngơi và buộc phải đi vệ sinh trong bỉm. Sau khi sinh khoảng 6 tiếng, nên tập ngồi dậy, đi bộ đi vệ sinh dưới sự giúp đỡ của người thân. Chú ý nên ngồi dậy từ từ và ngồi khoảng vài phút rồi mới di chuyển đi lại (để tránh tụt huyết áp do vận động đột ngột, gây chóng mặt, ngất xỉu).
- Nên tập ngồi thẳng, ngồi chèn lên vết khâu (nếu bị rạch), dù sẽ đau nhưng sẽ khiến vết khâu mau lành hơn.
- Vận động nhẹ nhàng sẽ giúp tống sản dịch ra ngoài được tốt hơn.
- Ấn và xoa phần đỉnh tử cung (là phần cứng phía dưới rốn giúp tử cung mau co lại)
Những điều này chắc là các mẹ sẽ được nữ hộ sinh dặn làm đó ạ.
Đối với sinh mổ
- Ngay sau khi ống thông tiểu được lấy ra, các mẹ đã có thể bước xuống giường, tập đi bộ trở lại. Mặc dù khi sinh mổ, bạn sẽ rất đau vì vết thương ở vết mổ, nhưng bạn không nên lười vận động, lười vận động khi sinh mổ làm cho nhu động ruột chậm hồi phục, từ đó dẫn đến chứng táo bón rất khó chịu. Đồng thời đây cũng là yếu tố nguy cơ nghiêm trọng làm hình thành các cục máu đông ở chân, tay và gây viêm phổi sau phẫu thuật.
Chăm sóc vùng kín sau sinh
- Rửa vùng kín nhẹ nhàng bằng nước ấm và thấm khô sau mỗi lần đi vệ sinh.
- Thay băng vệ sinh sau mỗi 3-4 giờ để tránh viêm nhiễm.
4. Chế độ ăn uống
- Ăn chín uống sôi
- Ăn đa dạng các loại thực phẩm để bổ sung được đầy đủ các chất dinh dưỡng.
- Tăng cường rau và quả để có nhiều vitamin và chất xơ tránh táo bón sau sinh.
Không nên ăn các loại quả có vị chua như cam, chanh.. vì sẽ tạo ra khí gas làm đầy bụng của trẻ khi cho trẻ bú mẹ. - Bổ sung vitamin khoáng chất tổng hợp (sau sinh)
Các đồ uống lợi sữa
- Nước ấm: 3 lít / ngày
- Sữa đặc pha nóng: 1-2 cốc / ngày
- Bột ngũ cốc
- Trà HiPP Mama: Túi lọc, xách tay Ba Lan.
5. Quấn bé khi ngủ
Điều này sẽ giúp tạo cảm giác an toàn cho bé như khi bé ở trong bụng mẹ, giúp bé ngủ ngon sâu giấc hơn và bớt quấy khóc.
Lưu ý quấn khăn cho bé: Đúng cách và đúng thời điểm
- Đừng kéo thẳng chân của bé hay ép chúng vào nhau khi quấn. Tốt nhất, nên “thả rông” phần thân dưới, để chân và hông của bé có thể thoải mái cử động.
- Quấn khăn vừa phải, không quá lỏng hoặc quá chật. Quá chật sẽ khiến bé khó chịu, nhưng quá lỏng sẽ dễ làm khăn bung ra, làm tăng nguy cơ đột tử.
- Không để khăn quấn cao quá đầu hoặc quá cổ của bé.
- Để ý nhiệt độ phòng vì nếu quá nóng mà quấn bé sẽ khiến bé toát mồ hôi có thể thấm ngược vào bên trong gây cảm lạnh cho bé.
- Áp dụng quấn bé trong khoảng 3 tháng đầu đời.