Nhiều mẹ thắc mắc là sao bé nhà mình lại hay “ngủ ngày cày đêm”, bé bú suốt rồi ăn ngủ linh tinh… Vấn đề giấc ngủ của trẻ quả thật là đau đầu. Mẹ Tép sẽ chia sẻ một vài cách giúp Tép vào nếp ăn ngủ dễ dàng hơn. Mong rằng những chia sẻ này sẽ giúp ích được cho các mẹ trong việc chăm sóc trẻ. Mẹ đọc thêm kiến thức về giấc ngủ của trẻ từ sơ sinh đến 3 tháng tuổi phía cuối bài viết.
Chuyện ngủ của bạn Tép
Tép nhà mình được hơn 2 tháng rưỡi tuổi. Tháng đầu cũng rất vất vả mà mình nghĩ bố mẹ nào nuôi con nhỏ cũng đều hiểu. Tầm khi bé được 1 tháng rưỡi (6 tuần) tới giờ, bé dần vào nếp sinh hoạt.
Giúp bé phân biệt ngày và đêm
Việc đầu tiên mình làm chỉ là giúp bé phân biệt ngày đêm qua âm thanh và ánh sáng. Ban ngày mình bật nhạc liên tục, đi lại hoạt động tạo âm thanh cuộc sống như bình thường. Trái với trước đó luôn phải giữ yên lặng vì sợ bé bị giật mình, thế nhưng chính vì quá yên lặng nên khi có bất kỳ tiếng động nhỏ gì cũng làm con giật mình và khó ngủ lại hơn. Ban ngày mình để điện sáng ngay cả khi bé ngủ. Tối (bắt đầu từ 19h00) tắt điện, bật đèn ngủ.
Chơi cùng bé vào ban ngày
Thời gian ngày, bé ngủ những giấc ngắn. Dậy thì vợ chồng mình chơi cùng bé nhiều. Nói chuyện với con, cho con xem tranh phát triển thị giác, dạy con một số trò như tặc lưỡi, lè lưỡi, ú oà… Con hứng thú với việc chơi và vui vẻ. Khi buồn ngủ, con sẽ ra tín hiệu. Mình bế con vỗ ru cho con ngủ.
- Bộ 6 cuốn Kích thích phát triển thị giác cho bé
Buổi chiều tối thường là lúc con hay khóc quấy. Nhưng cứ đúng tới giờ khoảng 19h30 cho con ti, 20h00 con ngủ. Khoảng 3 đến 4 tiếng dậy ti một lần cho tới 6h00 sáng dậy bắt đầu ngày mới. Ban ngày bú cữ khoảng 3 tiếng một lần.
Trẻ khóc có phải chỉ do đói?
Một điều quan trọng nữa là các mẹ phải phân biệt được con khóc vì lý do gì. Mẹ phải tìm cho ra nguyên nhân khiến trẻ khóc để giúp bé thoải mái, nếu không bé sẽ không ngừng quấy khóc đâu. Trẻ khóc có thể do bỉm ướt, nóng hoặc lạnh, đầy bụng, muốn được mẹ bế, hoặc buồn ngủ… chứ không phải lúc nào cũng do đói. Thế nhưng hầu như mẹ nào cũng nghĩ con khóc là do đói và phản ứng ngay bằng cách cho con ti.
Dù đói hay không, khi mẹ cho ti, bé sẽ vẫn mút ti mẹ. Nếu bé ăn ngon lành thì hẳn là bé đói rồi, còn nếu chỉ bú một lúc rồi gắt khóc ầm lên tức là con không đói. Càng bú vào sẽ chỉ làm con khó chịu hơn, đầy hơi chướng bụng và quấy khóc. Mình nghĩ lúc này các mẹ nên vỗ ợ hơi cho bé. Có thể là con đã buồn ngủ rồi đó, hãy thử ru bé xem sao. Nếu cứ lúc nào con khóc, mẹ cũng cho con ti thì sẽ tạo thói quen bú vặt cho con và điều này cũng không tốt cho tiêu hoá của trẻ đâu nhé.
Đừng hỏi mẹ Tép là làm sao để phân biệt được bé khóc vì lý do gì nhé, cái này các bạn phải quan sát và kiểm tra, rồi dựa vào bản năng làm mẹ để giải quyết thôi. Nhiều lần như thế, mẹ sẽ hiểu được ý của con thôi.
Có nên luyện ngủ cho bé?
Về việc luyện ngủ, có một số phương pháp mà được khá nhiều mẹ chia sẻ kinh nghiệm là cứ để con khóc chán đi rồi sẽ tự ngủ. Cứ thế vài ngày là quen rồi ngủ ngoan ngay. Ví dụ phương pháp Cry It Out, Pick up – Put down… Những phương pháp này cũng được khuyến cáo chỉ áp dụng cho trẻ từ 4 đến 6 tháng tuổi trở đi hoặc tùy độ tuổi phù hợp theo từng phương pháp và không phải áp dụng với bé nào cũng được. Nhưng đa số các bậc bố mẹ đã áp dụng nó ngay tháng đầu đời của trẻ (Khoảng thời gian khủng hoảng và mệt mỏi nhất, muốn luyện ngủ cho con để bố mẹ nhàn và con tự lập sớm…). Việc làm này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới các bé con. Các mẹ tự cân nhắc việc luyện ngủ hay không với bé nhà mình nhé. Bố mẹ Tép thì không áp dụng theo phương pháp nào cả và chỉ làm như chia sẻ bên trên thôi.
- Bài viết trên BellyBelly: Có nên áp dụng theo phương pháp để bé tự khóc – tự ngủ?
Đừng đòi hỏi quá nhiều là con mình phải ăn ngủ theo đúng giờ giấc, theo nếp sinh hoạt của người lớn. Hãy tìm cách hiểu con bạn hơn và thông cảm rằng bé mới bước ra thế giới bên ngoài, không còn được bao bọc bởi môi trường lý tưởng là túi ối của mẹ nữa. Thay vào đó là bé phải tự học cách thở, ăn, ngủ, tè, ị… phải thích nghi với cuộc sống bên ngoài, hẳn cũng không hề dễ dàng đâu.
Mình nghĩ, tuỳ theo từng bé và độ tuổi, các bé sẽ dần phát triển hơn và thích nghi tốt hơn thôi. Mẹ đọc thêm kiến thức về giấc ngủ của trẻ từ sơ sinh đến 3 tháng tuổi phía cuối bài viết. Công việc của các bậc làm cha làm mẹ như chúng ta ở bên yêu thương con, giúp con được phát triển tốt nhất.
À, một điều nhỏ nữa là thi thoảng nên cho các bé đi chơi, thay đổi không gian quen thuộc cho con đỡ chán hơn, ra ngoài nhìn ngó nhiều thứ, con vui vẻ sẽ bớt quấy hơn đó.
[su_note note_color=”#FDF2D9″]
Giấc ngủ của trẻ sơ sinh đến 3 tháng
Trẻ sơ sinh ngủ rất nhiều, khoảng 16 đến 17 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên hầu hết các bé đều không ngủ quá 2 đến 4 tiếng mỗi lần ngủ, bất kể ngày hay đêm, trong những tuần đầu mới chào đời.
Bố mẹ trong giai đoạn này sẽ thực sự rất mệt mỏi, có thể sẽ phải thức dậy vài lần buổi đêm để thay tã, cho bé ăn và dỗ dành bé.
Tại sao giấc ngủ của trẻ sơ sinh lại không đều?
Chu kỳ ngủ của bé ngắn hơn rất nhiều so với người lớn, và giấc ngủ của trẻ phần lớn là giấc ngủ REM (Rapid Eye Movement hay giấc ngủ mắt chuyển động nhanh). Đây là giấc ngủ được xem là cần thiết cho quá trình phát triển não của trẻ.
Mặc dù giấc ngủ không đều này của trẻ sơ sinh không kéo dài lâu, nhưng sau vài ngày mất ngủ, bố mẹ nào cũng cảm thấy căng thẳng không hề nhẹ.
Khi nào trẻ ngủ được giấc dài hơn?
Khoảng 6 đến 8 tuần tuổi, các bé sẽ bắt đầu ngủ ít hơn vào ban ngày và nhiều hơn vào ban đêm. Trẻ cũng sẽ ngủ REM ít hơn, và ngủ sâu giấc nhiều hơn.
Khoảng 4 đến 6 tháng tuổi, hầu hết các trẻ có thể ngủ thẳng giấc từ 8 đến 12 tiếng.
Theo BabyCenter
[/su_note]
Mình có con được 1 tuần rồi mong những bài viết chia sẻ của mẹ tép.
Cảm ơn mẹ nó đã đọc bài của mẹ Tép. Nếu mẹ có gì thắc mắc cứ để lại comment nhé, mình chỉ thỉnh thoảng mới viết bài được vì còn bận chăm Tép nữa. Hi.